Tôi tự bơi vào đời với 50 triệu đồng

Khi tôi mới lên đại học, bố mẹ đưa cho một số tiền làm vốn rồi tuyên bố để tôi tự bơi.

Gia đình nhà ngoại tôi xưa thuộc hàng "nhiều của", rồi đến ngày vàng, bạc, nhà cửa chẳng còn gì. Đấy là chuyện buồn của thế hệ đi trước,đến thế hệ tôi vẫn còn dư âm của hơi thở "giàu là tội", thành ra rồi thanh niên chẳng chịu được cảnh nghèo mãi, đi tứ xứ hết cả.

Gần đây lại rộ lên việc có nên cho con thừa kế gì không? Điều tôi thấy buồn cười nhất, là lấy lý do sợ con ỷ lại. Giống như chuyện đưa cần câu và con cá, bạn đưa con cá thì chắc chắn là có một bữa, xui lắm thì hỏng ăn, chứ bạn đưa cần câu thì phải bàn đến chất lượng cái cần, rồi mồi câu đâu nữa? Nếu có thể cho cả cá lẫn cần, cả mồi câu nữa là tốt, có cá dư mà không cho, nhỡ không câu được cá thì cũng chẳng có cái mà ăn, chết đói cả.

Sponsored Ad


Bố tôi bỏ xứ mấy chục năm, cũng gọi là có của cải, ông tuyên bố là tài sản mấy anh em tôi đừng dòm ngó gì. Nhưng không có nghĩa là không cho gì, chưa bàn đến cô bác chú dì thêm 30 đường thân quen của bố mẹ tôi, chỉ riêng việc được đào tạo ở nơi chất lượng đã là một điều tốt.

Khi tôi chân ướt chân ráo lên đại học bố mẹ đã đưa tôi 50 triệu rồi tuyên bố để tôi tự bơi, với số tiền ấy bắt đầu cuộc đời, nay tôi đã có cuộc sống chưa gọi là giàu sang gì lắm, nhưng không cũng không lo cơm áo , vui vẫn có thể làm "khách thơ" được, buồn thì mời sếp uống cốc bia.

Sponsored Ad

Giả mà không có số tiền ấy, lại chẳng thân quen gì ai, kiến thức có hạn, thì giờ e là tôi đang mải mê chạy deadline. Xuất thân từ một gia đình khá giả đã là một lợi thế, có tiền cũng là một lợi thế, và nếu như tôi có con, không nhất định là tôi giống với bố mẹ tôi, nhưng cách làm cũng chẳng khác gì lắm.

Không bàn sâu đến vấn đề con cá, mồi hay cần câu, cái cơ bản nhất khi con bạn không có gì trong tay, là con bạn không được phép thất bại. Một người "có tiền" có thể khởi nghiệp thất bại vài lần, có thể chọn lại trường đại học, không phải chạy vạy vay vốn ngân hàng, chứ người "không có vốn". Chỉ cần hỏng việc một lần, nếu không lao lý thì cuộc đời cũng ngập nợ hoặc khó gượng dậy được, đơn cử như khi bệnh hiểm nghèo, không có đủ tiền thì đời sẽ tàn phai. Ai khi quản lý rủi ro đều biết đặt trứng vào nhiều giỏ , nếu không có tiền, với số giỏ hạn hẹp, bạn đơn giản chỉ có thể được ăn cả ngã về không mà thôi.

Sponsored Ad


Nhìn sang Mỹ, đúng là dân họ rất tự lập, nhưng một trong những vấn đề xã hội đáng đau đầu của họ là một số không ít người phải dùng cả đời để trả nợ sinh viên và có khi còn chẳng trả hết.

Hơn nữa, độ tuổi "hết trách nhiệm " với con cái của họ là 26 tuổi chứ không phải 18 như nhiều người lầm tưởng. Mấy triệu phú tuổi teen chỉ rất cá biệt và đấy là thể hiện việc trẻ con ở họ có thể thoải mái thể hiện bản thân, có ý chí tự lập rất sớm, chẳng lẽ là do không được thừa kế gì khiến họ tự lập? Không, đó là do sự tôn trọng ở mọi lứa tuổi trong xã hội của họ.

Sponsored Ad

Các tỷ phú, triệu phú, dù có hay từ thiện đến đâu thì con họ cũng được giáo dục trong môi trường cấp cao và phạm vi giao tiếp của họ toàn những phần tử tinh anh, hơn nữa có những tấm gương cha mẹ tỉ phú , triệu phú để nhìn vào mà học tập cũng là một loại tài nguyên khan hiếm không phải ai cũng có. Đừng nên chỉ nhìn vào phần nổi, mà hãy cố nhìn vào phần chìm của vấn đề.

Giàu mà sống như người nghèo thì gọi là khiêm tốn, chứ nghèo mà "học theo" giàu thì rất dễ mất cả chì lẫn chài.


Bạn có thể cũng thích bài viết này