Chấn thương tâm lý sau khi cách ly 21 ngày ở khách sạn

Dù đã sẵn sàng tinh thần trước, những người đi cách ly tại Hong Kong (Trung Quốc) đều cảm thấy khó khăn khi phải chôn chân suốt 3 tuần trong không gian nhỏ.

Vào tuần cuối cùng của đợt cách ly kéo dài 21 ngày tại một khách sạn ở Hong Kong (Trung Quốc), Arnaud de Surville tỉnh dậy và khóc.

“Tuần cuối cùng ấy thật kinh khủng. Đã 2 lần tôi tỉnh dậy trong nước mắt”, Arnaud chia sẻ với SCMP.

Nhiều khách sạn ở Hong Kong trở thành điểm cách ly cho những người nhập cảnh. Ảnh: The Standard HK.

Thân là một giám đốc điều hành kinh doanh thành công, chưa bao giờ ông gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ông cũng không ngờ 21 ngày cách ly lại mệt mỏi đến vậy.

Đáng chú ý, vị giám đốc này không phải người duy nhất. Trên thực tế, việc cách ly có liên quan đến tình trạng gia tăng tỷ lệ tự tử hoặc gây cáu giận, rối loạn căng thẳng cấp tính, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Những triệu chứng bệnh thậm chí sẽ đeo bám cá nhân trong nhiều năm.

Sponsored Ad

Cần ý chí sắt đá

Arnaud cũng tưởng rằng mình đã chuẩn bị kỹ. Ông cẩn thận đặt một phòng khách sạn nhìn ra biển ở khu Pok Fu Lam, đồng thời mang theo một cây guitar với ý định học cách chơi nhạc cụ này trong 21 ngày sắp tới.

Chấn thương tâm lý sau khi cách ly 21 ngày ở khách sạn

Sponsored Ad

Ông Arnaud hạnh phúc cắt vòng tay theo dõi sau khi hoàn thành 21 ngày cách ly. Ảnh: Arnaud de Surville.

Ngoài ra, vị giám đốc cũng hiểu rằng duy trì một thói quen nghiêm ngặt là điều rất quan trọng để ông có thể sống sót qua thời kỳ cách ly.

Trong những ngày đầu tiên, Arnaud dành nhiều thời gian ngắm nhìn những con tàu qua lại trên mặt biển, thậm chí ông đã đặt mua ống nhòm để phục vụ sở thích mới này.

Người duy nhất mà Arnaud có đôi lời trò chuyện trực tiếp là một nhân viên y tế từng xét nghiệm Covid-19 cho ông. Ông cảm thấy biết ơn khi được nghe câu nói: “Xin chào, hôm nay bạn thế nào?”.

Sponsored Ad

“Cần phải có quyết tâm cùng ý chí sắt đá để duy trì thói quen hàng ngày và không để bản thân bị chệch hướng. Sau 2 tuần đầu, tôi không thể cố gắng nổi nữa. Tôi hoàn toàn kiệt sức”, ông nói về khoảng thời gian cách ly.

Nỗi cô độc bao trùm

Brenda Adrian, một cư dân Hong Kong lâu năm, vội vã trở về Đức vào tháng 4 khi hay tin mẹ qua đời. Ngày 7/5, cô trở lại xứ Cảng thơm và bắt đầu công cuộc cách ly 3 tuần.

Ngày 12/5, Brenda nghe đồn rằng thời gian cách ly của những người trở về từ Đức sẽ được cắt giảm xuống còn 2 tuần. Tuy nhiên, lãnh sự quán Đức đã dập tắt hy vọng của cô, khẳng định rằng Brenda vẫn cần cách ly đủ 3 tuần.

Sponsored Ad

“Khi trở lại thành phố này, tôi thậm chí còn không có thời gian để than khóc hoặc cùng gia đình tưởng nhớ mẹ mình. Hiện thực ấy còn hơn cả sự tàn bạo. Tôi mất ngủ triền miên và phải dùng thuốc hỗ trợ suốt 6 tuần qua. Tôi đang cố giảm thiểu sự phụ thuộc vào chúng”, Brenda chia sẻ từ khách sạn Dorsett Wanchai ở khu Wan Chai.

Brenda yêu thích công việc của mình ở một trung tâm tầm soát ung thư da. Tuy nhiên, đó không phải loại công việc có thể làm từ xa. Cô chỉ loanh quanh một mình tại phòng khách sạn.

Chấn thương tâm lý sau khi cách ly 21 ngày ở khách sạn

Sponsored Ad

Brenda cảm thấy cô độc khi không thể trực tiếp sẻ chia nỗi đau mất mẹ với gia đình. Ảnh: Edmond So.

Gia đình của Brenda đôi khi đứng ngoài cửa sổ vẫy tay chào cô, hoặc khách sạn gửi một chậu hoa để giúp cô phấn chấn tinh thần. Thế nhưng, việc “biệt giam” thật sự khó khăn đối với Brenda, nhất là vào thời điểm cô cần ở bên người thân yêu của mình.

“Tôi cố gắng hình thành thói quen mới rồi tập thể dục, nhưng chẳng thể tạo động lực cho bản thân. Tôi cảm thấy muốn khóc, nhưng lại chỉ có thể ngồi đó bất động, giống như mới tỉnh giấc từ giấc mộng dài. Tôi tự vấn bản thân rằng ‘Tôi ở đâu trong những ngày này? Ý nghĩa cuộc sống là gì’. Tôi chưa bao giờ như vậy”, cô chia sẻ.

Sponsored Ad

Cạn kiệt năng lượng

Cách ly với trẻ nhỏ cũng đem lại những thách thức riêng cho nhiều gia đình. Zoe Fortune, Giám đốc điều hành của City Mental Health Alliance, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, là một trong số đó.

Sau khi phải bay về Anh vào tháng 11 vì lý do khẩn cấp, vợ chồng Zoe trở lại Hong Kong cùng 2 con nhỏ, lần lượt 4 và 6 tuổi tại một khách sạn.

Là một chuyên gia sức khỏe tâm thần, Zoe nhận thức được những vấn đề tiềm ẩn của việc cách ly dài ngày.

Cô cùng chồng chuẩn bị cho bọn trẻ trước khi ở lại khách sạn dài ngày, từ việc thuê xe đạp đến lên thời gian biểu học tập, làm việc và cả thời gian sinh hoạt chung của gia đình. Điều này giúp tạo ra cảm giác bình thường cho cả nhà.

Sponsored Ad

Chấn thương tâm lý sau khi cách ly 21 ngày ở khách sạn

Cách ly 21 ngày cùng trẻ nhỏ là thử thách của nhiều gia đình. Ảnh: Zoe Fortune.

Theo Zoe, các gia đình cách ly cùng nhau nên bắt đầu bằng việc trao đổi thẳng thắn với lũ trẻ về những gì sắp xảy ra, nhờ đó loại bỏ yếu tố sợ hãi. Ngoài ra, Zoe chia cho mỗi cậu bé một chiếc lều con dựng ở góc phòng riêng.

“Không gian riêng sẽ khiến các con phải tự dọn dẹp ngăn nắp. Điều đó sẽ mang lại cảm giác được kiểm soát cho chúng”, cô nói.

Zoe thừa nhận mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ cho đến khi sang tuần thứ 3, dù gia đình cô đã lên kế hoạch sớm.

“Đến ngày thứ 16, tôi không còn năng lượng để duy trì mọi thứ. Mà nếu tôi kiệt sức, cả nhà cũng rơi vào tình trạng tương tự”, cô nói.

Cả nhà cô cũng vật lộn với việc thiếu không khí trong lành. “Sau 3 tuần trong một không gian chật hẹp, gia đình tôi cảm thấy ngột ngạt, dù có máy lọc không khí”, cô kể lại.

Vài tuần sau khi hết 21 ngày cách ly, Zoe cho biết các con của cô đã ổn định phần nào, nhưng rõ ràng chúng không bao giờ muốn bị cách ly lần nữa.

“Một đứa con trai của tôi còn gặp ác mộng về việc bị cảnh sát bắt giữ khi ra khỏi phòng. Nỗi lo lắng vẫn quanh quẩn trong gia đình. 21 ngày cách ly thực sự để lại dấu ấn tâm lý cho lũ trẻ”, cô nói.


Bạn có thể cũng thích bài viết này