TP HCM có thiếu máy thở, ECMO nếu thêm nhiều bệnh nhân nặng?

TP HCM hiện có 16 máy ECMO nằm rải rác các bệnh viện, hàng trăm máy thở và hơn 100 máy thở dự trữ, Sở Y tế sẽ điều động khi cần điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Trao đổi VnExpress tối 9/6, phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, cho biết từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, các thống kê ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân chuyển biến nặng khoảng 3,5%, tức 100 người bệnh có khoảng 3-4 người nặng.

Theo số liệu thực tế điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, trong 15 ca bệnh nặng, có một ca diễn tiến nặng dùng tới ECMO. Điều này có nghĩa với khoảng 400-500 ca Covid-19, một trường hợp cần dùng tới ECMO.

Theo ông Thượng, các bệnh viện thuộc Sở hiện có 8 máy ECMO. Bệnh viện Chợ Rẫy (thuộc Bộ Y tế, nằm trên địa bàn TP HCM) có 8 máy. "Trừ những trường hợp điều trị bệnh lý nặng khác cần tới ECMO, thành phố có thể huy động khoảng 10-12 máy cho bệnh nhân Covid-19, trong cùng một thời điểm", ông Thượng nói.

Sponsored Ad

Trong tình hình Covid-19 diễn biến còn phức tạp, thành phố tiếp nhận một số bệnh nhân nặng từ các tỉnh, thành khác chuyển đến, Sở Y tế TP HCM đã tham mưu UBND bổ sung máy ECMO. Hiện, lãnh đạo thành phố đã thông qua kế hoạch, dự kiến bổ sung khoảng 10 máy, đủ để đáp ứng bệnh nhân Covid-19 nặng.

Theo ông Thượng, các bệnh viện TP HCM đang có hàng trăm máy thở, vẫn còn dự trữ hơn 100 máy chưa dùng tới.

"Thành phố không lo thiếu máy thở, oxy điều trị bệnh nhân Covid-19", ông Thượng nhấn mạnh.

ECMO - thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, là phương tiện quan trọng với trường hợp viêm phổi nặng do Covid-19. Can thiệp ECMO với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, giúp tim và phổi bệnh nhân được nghỉ ngơi, chờ hồi phục.

Sponsored Ad

Ngày 9/6, TP HCM điều trị 550 bệnh nhân Covid-19, trong đó 13 bệnh nhân nặng, bốn ca can thiệp ECMO.

Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đang can thiệp ECMO cho ba bệnh nhân nặng từ tỉnh khác chuyển tới, gồm một bệnh nhân chuyển từ Long An ("bệnh nhân 7445", nam sinh viên 22 tuổi), một chuyển từ Tây Ninh ("bệnh nhân 8346") và người phụ nữ chuyển từ An Giang ("bệnh nhân 2983").

Một bệnh nhân ngụ TP HCM đang can thiệp ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy là "bệnh nhân 8944", chiến sĩ công an 41 tuổi.

Bệnh nhân Covid-19 rất nặng đang được can thiệp ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, ngày 8/6. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân Covid-19 rất nặng đang được can thiệp ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, ngày 8/6. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Sponsored Ad

Theo ông Thượng, ngành y tế đang tiến hành kế hoạch chủ động ứng phó Covid-19 của khối điều trị trong tình huống thành phố ghi nhận 5.000 trường hợp dương tính nCoV.

Sở Y tế TP HCM ngày 9/6 quyết định chuyển công năng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành nơi chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19, với 400 giường, trong đó có 46 giường hồi sức tích cực (ICU). Bệnh viện huyện Củ Chi cũng chuẩn bị để sẵn sàng đổi công năng thành Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi 500 giường, nếu số ca nhiễm trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng sẽ đưa vào sử dụng.

TP HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất. Từ ngày 18/5 đến 9/6, thành phố ghi nhận 500 ca Covid-19, hiện đứng thứ 3 cả nước về số ca nhiễm cộng đồng trong đợt dịch thứ 4 này. Phần lớn các ca liên quan ổ dịch nhóm Truyền giáo Phục hưng, được phát hiện từ ngày 26/5.

Từ khi bắt đầu bùng phát Covid-19, ngành y tế đã triển khai mô hình Bệnh viện dã chiến tại Củ Chi và Cần Giờ để chuyên tiếp nhận cách ly điều trị người bệnh, đạt hiệu quả cao. TP HCM cũng chủ động triển khai mô hình bệnh viện tách đôi "Split hospital" với 550 giường điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Bạn có thể cũng thích bài viết này