10 năm sang Mỹ học ngành không kiếm ra tiền

'Phí hoài 10 năm tuổi trẻ du học mà về nước không kiếm được việc', nhiều người chê bai khi tôi sang Mỹ học ngành Toán - Lý.

Sau khi đọc bài "Mẹ bắt thi kinh tế dù tôi yêu hội họa" và "Khi bà bán xôi kiếm 50 triệu đồng mỗi tháng" cũng như ý kiến của bạn đọc, tôi muốn nếu ra quan điểm của mình về việc chọn nghề, chọn ngành trước ngưỡng cửa đại học thông qua câu chuyện của bản thân.

Theo tôi, đích đến của mọi người là một cuộc sống sung túc, đầy đủ và có rất nhiều cách để đạt đến mục tiêu đó: đi học đại học, đi bán xôi, học hội họa, học kinh tế... Điều này cũng tương tự việc muốn khỏe mạnh, bạn có thể đi tập gym, bơi, đá bóng... Tuy nhiên, bạn làm gì không quan trọng, vấn đề là bạn làm điều đó thế nào?

Sponsored Ad

Tôi được sinh ra trong một gia đình trung bình thấp. Bố làm công chức lương đủ ăn, mẹ buôn bán thực phẩm sống ở chợ, đầu tắt mặt tối. Tuy nhiên, tôi rất may mắn khi được bố chú ý việc học hành và khuyến khích đọc sách từ nhỏ, nhất là sách khoa học. Mặc dù không hiểu gì, nhưng tôi rất thích và thường bảo bố mẹ rằng: "Con mơ ước được thành nhà vật lý, nghiên cứu khoa học". Trong hoàn cảnh gia đình không khá giả gì, bố tôi chỉ cười. Nhưng tôi hiểu nụ cười đó hàm chứa ý thức về sự viển vông, vớ vẩn, hão huyền. Ở Việt Nam, không phát triển ngành này, gia đình, họ hàng có ai giàu vì cái nghề trên trời ấy?

Sponsored Ad

Thế nhưng tôi vẫn không nản lòng vì điều đó, tôi thi đỗ vào cấp hai chuyên Toán, rồi cấp ba chuyên Vật lý của thành phố, cũng đạt một số giải thưởng. Rồi đến lúc chuẩn bị thi vào đại học, bố vẫn nói: "Học giỏi thì học thôi, chứ nghề thì chọn nghề khác mà làm". Gia đình cũng hướng tôi thi Ngoại thương. Tôi thi, và đỗ, nhưng trong lòng vẫn cảm giác không thích, không hợp.

Lúc đó, tôi nảy ra ý tưởng đi du học vì có thể tự do, muốn học gì thì học (các trường đại học ở Mỹ có đủ các ngành cho sinh viên chọn). Thế là tôi để ra một năm trời chỉ học tiếng Anh. Từ một đứa dốt đặc, tôi kiếm được học bổng đại học ở Mỹ. Lúc sang Mỹ, tôi vẫn tiếp tục học ngành Toán - Lý, hết đại học rồi Thạc sĩ, rồi lấy được học bổng Tiến sĩ của một trong những trường top đầu tại Mỹ. Tôi vui và hạnh phúc lắm, ngày nhận được quyết định, tôi vừa khóc vừa mỉm cười.

Sponsored Ad

Thế nhưng ở Việt Nam, bố tôi không thích ngành này vì phải học thêm tới 5 năm mới xong mà nếu về nước thì không kiếm được việc. Họ hàng cũng có người xỉa xói: "Nhiều đứa học còn ít hơn nó mà bây giờ đã làm ra một đống tiền". Thậm chí gia đình người yêu cũng có vẻ không hài lòng về tôi. Cũng như những lần trước, tôi chỉ cười, không quan tâm.


Bước ngoặt đến vào hè trước khi tôi nhập học Tiến sĩ. Đúng sau khi tôi nhận thư mời của trường cao học, mẹ bị tái phát ung thư buồng trứng giai đoan cuối. Suốt vài tháng sau khi nhận tin, tôi bị trầm cảm. Cũng phải nói thêm, lúc đó tôi bị nhiễm trùng tiêu hóa nặng nên phải dùng thuốc kháng sinh cực mạnh, tác dụng phụ cũng gây mất ngủ, có những tuần năm ngày liên tục tôi không ngủ một chút nào.

Sponsored Ad

Lúc đó, nếu tiếp tục học thì phải mất 5 năm, nhưng thời gian đó quá dài, mẹ liệu còn sống được đến lúc đó không? Nhưng nếu tôi về nước bây giờ, với ngành học này thì kiếm việc kiểu gì? Chẳng lẽ bỏ lại tình yêu sáu năm ở lại Mỹ, bỏ lại bao công sức của mình mà đi sao? Cuối cùng, tôi chọn gia đình. Tôi để lại tất cả rồi quay về. Tôi vẫn còn nhớ lời cuối cùng với bạn gái: "You are my American Dream (em là giấc mơ Mỹ của anh)".

Về nước, may mắn, tôi được giới thiệu làm thử sức ở ngành khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Ngành này tuy mới mẻ, nhưng tôi có thể áp dụng kiến thức về thống kê, lập trình, Toán, mô hình của mình. Từ một đứa không được đào tạo về công nghệ thông tin, tôi đào sâu học hỏi rồi ngày hôm nay cũng có một chút thành quả, dù nhỏ. Trong tim mình, tôi vẫn yêu Vật lý, vẫn trân trọng từng giây, từng phút trong 10 năm mình theo đuổi nó.

Sponsored Ad

Cũng có người nói tôi "phí hoài 10 năm tuổi trẻ học cái ngành mà bây giờ không dùng gì". Lúc đó, tôi chỉ cười. Thực ra, chính những kiến thức Toán, mô hình, lập trình trong quãng thời gian đi học vẫn được tôi áp dụng vào ngành mới. Bên cạnh đó, kỹ năng phân tích, nghiên cứu cũng được vận dụng.


Tôi có theo dõi phần tranh luận của mọi người về chủ đề chọn ngành, chọn nghề. Theo tôi, việc so sánh nghề này hay nghề kia với nhau chỉ như so sánh chơi đá bóng với bóng rổ, cái đích đến là như nhau, nhưng so sánh như vậy sẽ không bao giờ có đáp án cuối cùng. Là người bất chấp tất cả theo ngành mình yêu rồi lại vì hoàn cảnh mà bỏ ngang sang ngành hoàn toàn mới, tôi nhận ra điều quan trọng không phải là ngành nào mà là bạn đối xử với nó thế nào? Chỉ cần bạn tận tâm, chăm chỉ làm việc thì ngành nào rồi sẽ có một thành tựu nào đó. Ngành nghề nào cũng chỉ là một phương tiện để bạn phát triển bản thân.

Sponsored Ad

Thế nên, một khi bạn còn trẻ, hãy cứ dấn thân, cứ trải nghiệm. Thất bại vì chọn sai đường, không sao, đứng dậy và làm lại. Đừng nghĩ thời gian mình dành cho hướng đi cũ là phí hoài, chính quãng thời gian làm việc chăm chỉ đã định hình nên con người bạn, để rồi, kể cả phải sang một con đường mới, bạn vẫn sẽ tiếp tục vững bước. Nếu bạn yêu hội họa, hãy cứ theo đuổi nếu có lòng tin sẽ chăm chỉ, sẽ tận tâm. Còn một khi bạn làm việc chểnh mảng, thì có theo hướng nào rồi cũng sẽ thất bại.

Con đường quan trọng nhưng đều không quan trọng bằng bạn làm việc đó có chăm chỉ, cống hiến hay không? Dù thất bại hay thành công, dù là con đường nào cũng hay trân trọng nó, yêu nó, sống chết vì nó, rồi những thứ khác sẽ tự tìm đến. Vì đích đến cũng chỉ một mà thôi, đó là bản thân mình lớn lên.


Bạn có thể cũng thích bài viết này