Cạy nắp nồi áp suất chưa xì hơi hết, người phụ nữ gặp nạn

Cố cạy vung nồi áp suất còn hơi, chị Duyên (Hà Nội) bị bỏng khá nặng khi nắp nồi bật ra, nước sôi bên trong bắn tung tóe.

Vừa được xuất viện sau một tuần điều trị, chị Nguyễn Thanh Duyên, 34 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội, kể, chiếc nồi áp suất này chị mua đã 2 năm nhưng chủ yếu là bà ngoại sử dụng. "Hôm đó mình mang ra ninh xương để nấu cháo cho con, khi thấy đun lâu lâu, mình mở nắp để cho gạo vào, cố cạy khi hơi chưa xì hết khiến nó nổ phát bụp, vung bật hẳn ra ngoài", chị Duyên kể.

Sponsored Ad

Không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng nồi áp suất, bạn có thể dễ gặp nhiều sự cố.

Nước nóng trào ra từ nồi khiến chị bị bỏng bên chân và đùi trái. "Đến giờ tôi vẫn hoảng loạn và tự trách mình khi không đọc kỹ hướng dẫn hoặc hỏi người đã có kinh nghiệm dùng", chị Duyên nói.

Nổ hơi nồi áp suất không phải là tai nạn hy hữu. Trên một nhóm Facebook, hồi đầu tháng 7, chị Thủy ở Hưng Yên kể, chị đang ninh chè đậu đen thì nắp nồi bật tung ra khiến cả đỗ lẫn nước bắn tung tóe dưới sàn, lên trần. "Hôm đó tôi ninh xong thì mở nắp ra cho đường vào đun tiếp rồi không đóng chặt lại", chị chia sẻ.

Sponsored Ad

Ra ngoài một lát, khi về, chị Thủy (Hưng Yên) thấy chè đậu đen trong nồi áp suất văng ra tứ tung.

Sponsored Ad

Một bà nội trợ khác kể, chiếc nồi áp suất nhà chị bị đứt gioăng cao su ở nắp, chị vẫn cố đun vì nghĩ chẳng ảnh hưởng gì, không ngờ một lúc sau thì nổ hơi, nước sôi bắn ra khiến cậu con trai nhỏ đứng cạnh bị bỏng.

Anh Nguyễn Ngọc Quý, giảng viên bộ môn Điện lạnh, Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, nồi áp suất có cấu tạo đơn giản: gồm có các thanh điện trở, có van an toàn để kiểm soát áp suất bên trong. Khi áp suất lên tới mức độ nhất định thì van sẽ xì hơi ra.

Về cơ chế, nồi có nắp đậy kín, khi nấu, hơi trong hồi tăng cao nhưng không thoát ra ngoài được nên áp suất tăng lên và kéo theo nhiệt độ trong nồi cũng tăng cao, lên tới 150 độ C. Khi áp suất đến ngưỡng chịu đựng thì chiếc van hạ áp (xu-páp) sẽ đảm nhiệm vai trò cân bằng áp suất. Nếu van xả có vấn đề thì rất dễ gây nổ hơi khi có áp suất lớn.

Sponsored Ad

Theo anh Quý nồi áp suất có thể bị nổ hơi trong 3 trường hợp:

- Người dùng vội mở, cố cạy vung ra khi nồi chưa được xì hết hơi.

- Các bộ phận như gioăng, ốc trong nồi sau thời gian dài sử dụng bị nhờn, bung ra.

- Van an toàn kém chất lượng, bị kẹt, hỏng do đã dùng lâu ngày, không được vệ sinh thường xuyên nên không kiểm soát được áp suất trong nồi.

Để sử dụng nồi áp suất an toàn, theo anh Quý, người dùng cần lựa chọn các thương hiệu uy tín, tránh mua hàng trôi nổi. Trước khi nấu, cần đọc kỹ hướng dẫn, kiểm tra các bộ phận bên trong. Nên thường xuyên kiểm tra van an toàn, vệ sinh nắp, gioăng. Trước khi mở nắp nên lấy đũa ấn thử vào van xả áp xem còn hơi xì ra từ đó không. Khi nồi hết hơi hoàn toàn mới mở.

Trường hợp nồi đã dùng quá lâu, bị hoen gỉ hoặc thấy có các dấu hiệu như gioăng bị dão, nắp nồi không còn vặn chặt được, van hỏng, lỏng lẻo... nên bỏ đi, đừng cố dùng tiếp.


Bạn có thể cũng thích bài viết này