Nguy kịch vì cúm A, người phụ nữ phải sống nhờ "tim, phổi nhân tạo"

Sau khi mắc cúm A, người phụ nữ 39 tuổi (sống tại Thanh Hóa) bất ngờ bị biến chứng viêm phổi và suy hô hấp cấp tiến triển phải nhập viện cấp cứu.

Bệnh nhân cúm A phải can thiệp ECMO

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mới đây, một bệnh nhân cúm A đã được chuyển từ Thanh Hóa vào Khoa Cấp cứu của Bệnh viện trong tình trạng rất nặng.

Qua khai thác bệnh sử xác định cách đây 2 năm, bệnh nhân phát hiện bị suy tủy, khiến cơ thể bị giảm hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu hạt. Do đó, bệnh nhân phải đi viện thường xuyên.

Nguy kịch vì cúm A, người phụ nữ phải sống nhờ   

Sponsored Ad

Các bác sĩ đặt ECMO cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC).

Thời điểm khởi phát cúm A, bệnh nhân có tình trạng sốt cao gai rét liên tục, kèm theo ho khạc đờm, đau mỏi cơ, đau nặng đầu, không nôn, tức ngực khó thở tăng dần. Bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện tuyến dưới một ngày không cải thiện và được chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán: suy hô hấp, cúm, viêm phổi.

Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định đặt ống thở máy. Tuy nhiên, vì không đáp ứng với thở máy, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

Bệnh nhân cũng được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện để điều trị.

Sponsored Ad

BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin: "Bệnh nhân được chẩn đoán cúm A trên nền suy tủy. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị an thần, thở máy, sự sống phụ thuộc vào ECMO. Hôm nay, sau một ngày đặt ECMO, phổi của bệnh nhân đang có tiến triển hơn".

Nhận định về trường hợp này, theo BS Phúc, bệnh nhân nhiễm cúm A trên nền suy giảm miễn dịch thì sẽ dễ diễn tiến nặng hơn người không có bệnh nền.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo các đối tượng sau nằm trong nhóm có nguy cơ diễn tiến nặng cao khi mắc cúm A:

Sponsored Ad

- Tuổi trên 65.

- Bệnh nhân có mắc các bệnh nền về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, các bệnh lý về máu.

- Trẻ em dưới 2 tuổi.

- Phụ nữ mang thai…

"Để phòng tránh cúm A, những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hàng năm. Đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm Cúm A thì không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám", BS Phúc nhấn mạnh.

Chưa ghi nhận chủng cúm độc lực cao

Trong cuộc họp trước đó, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số ca mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.

Sponsored Ad

Nguy kịch vì cúm A, người phụ nữ phải sống nhờ   

Số ca mắc cúm tại Hà Nội có xu hướng tăng từ tháng 5 (Ảnh: Mạnh Quân).

Sponsored Ad

"Đến nay, chúng ta chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây", Thứ trưởng Hương nói.

Tuy nhiên, bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng virus cúm đang mắc phải để có hướng điều trị kịp thời.

Ngoài ra, để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…

Bạn có thể cũng thích bài viết này