Tháo chạy khỏi farmstay

Một người đầu tư cả chục tỷ 'bỏ phố về quê' làm nông trại nhưng đã phải rao bán sau đó không lâu. Vì sao?

Thỉnh thoảng có vài bạn nhắn tin tôi giãi bày tâm sự ý định bỏ phố về quê làm nông nghiệp và xin lời khuyên. Sau khi nghe tôi chia sẻ một hồi thì nhiều bạn đã hủy kết bạn với tôi.

Hơn 5 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, đã từng nếm trải đủ mùi vị nên tôi hiểu các bạn này đang nghĩ gì. Vì tôi cũng đã từng như vậy. Cũng tinh thần hừng hực khí thế bất chấp mọi lời khuyên, góp ý chân thành của những người đi trước.

Ngày xưa tôi có mỗi kinh nghiệm kế toán khi làm cho công ty Hàn Quốc. Ngoài chút khéo léo về ứng xử, cách mua hàng, đàm phán thì tôi chẳng biết gì về kinh doanh cả. Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản, tôi tự về trồng nguyên liệu để đảm bảo nguồn đầu vào. Tính cách bướng bỉnh, lì lợm nên dù phải làm việc ngoài trời nắng nóng như đổ lửa, mùa mưa thì rắn rít, sâu bọ chạy đầy ngoài vườn tôi cũng gắng vượt qua.

Sponsored Ad

Tôi đã phải nhận rất nhiều trái đắng do sự thiếu hiểu biết và trải nghiệm. Tôi cho rằng, người đi trước nên có trách nhiệm chia sẻ lại với người đi sau, lan tỏa những giá trị hữu ích nên tôi muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm để các bạn có ý định bỏ phố về quê làm farmstay hình dung được những khó khăn vất vả. Từ đó chuẩn bị hành trang, kiến thức rồi mới bắt tay thực hiện kế hoạch.


Tôi đã từng nghe câu chuyện của một người có rất nhiều tiền và có mối quan hệ. Anh bỏ vô hơn chục tỷ mua đất ở nông thôn làm nông nghiệp. Anh tuyển thực tập sinh bao ăn ở, trả lương đầy đủ. Ngoài ra còn tuyển thêm lao động địa phương. Nhưng lao động địa phương thì có hôm thích thì đi làm, không thích thì nghỉ. Anh nói chán lắm.

Sponsored Ad

Thời tiết trên đó mang tính âm nhiều, người ta thích nghỉ dưỡng hơn là đi làm. Bà con thì làm việc vô cùng cảm tính. Mình có làm gì lỡ họ ghét là họ phá cả vườn luôn. Làm được một thời gian thì anh treo biển bán đất.

Lý do khí hậu ở chỗ anh làm trang trại quá ẩm, mưa nhiều hơn nắng. Cây trồng không phát triển như mong đợi, sâu bệnh nhiều. Thiệt hại lớn trong khi chi phí vận hành cao. Bán đất không được anh cho thuê lại nhưng cũng không mấy ai hỏi han.

Rồi có lần tôi ghé thăm một farm khác của một cặp vợ chồng người người Hà Nội. Anh chị mua đất ở Lâm Hà (Lâm Đồng) để đầu tư trồng rau hữu cơ vì nghĩ ai cũng sẵn sàng bỏ tiền mua thực phẩm sạch. Con cái thì chị nhờ ông bà ở Hà Nội chăm sóc. Một năm thi thoảng về thăm con vài lần.

Sponsored Ad

Chị kể vườn chị trồng rau quả hữu cơ cung cấp dưới Sài Gòn nên phải trồng đa dạng. Trồng hữu cơ nên tiêu chuẩn gắt gao, rau củ bị sâu bệnh kinh khủng, có khi mất trắng, thiệt hại tương đối lớn nhưng anh chị vẫn chưa tìm được cách khắc phục.

Chi phí vận chuyển tới cửa hàng thì bị độn lên cao do xe cộ vận chuyển còn hạn chế. Khó khăn chồng chất khó khăn. Vào thăm vườn của anh chị, hái những trái ổi trên cây, 10 trái thì hết 4 trái bị sâu. Đến khi hỏi chị về thời gian dành cho con cái thì chị rưng rưng nước mắt: "Các em đã nghĩ đến tình cảnh này? Và có chấp nhận đánh đổi không?".

Sponsored Ad

Một số bạn bỏ phố về quê với mong ước phát triển nông nghiệp quê hương, bạn thì muốn giúp đỡ bà con nông dân nâng cao giá trị nông sản. Những điều này tôi tin ai cũng mong muốn làm và tôi cũng đang làm. Nhưng mười bạn có ý định như vậy thì sau này hết chín bạn đã bỏ quê về lại thành phố. Chỉ còn lại một bạn.

Bạn còn lại là người thực sự có năng lực, có đầu óc, ngoài ra cũng may mắn có người đồng hành hỗ trợ cùng. Hỗ trợ có thể về khâu: Nghiên cứu chế biến sản phẩm, thiết kế bao bì đóng gói, truyền thông marketing, quản lý lao động địa phương, tư vấn kỹ thuật cây trồng, vận hành làm sao giảm tối đa chi phí nhất có thể...

Sponsored Ad


Nếu chưa có những kinh nghiệm trên, chưa có bạn đồng hành (partner) thì nên xem lại. Đây là một số điều kiện cần chuẩn bị trước khi về vườn, theo tôi:

1. Ý chí, năng lực

Làm việc gì cũng cần có ý chí và năng lực, nhưng mảng nông nghiệp thì phải có gấp trăm lần. Không phải sáng ngắm bình mình rồi chiều nhìn hoàng hôn buông xuống. Đó chỉ là vài phút giây thoáng qua thôi. Thời gian còn lại là đấu tranh với miếng cơm, với các khoản chi phí.

2. Tiền

Tùy vào quy mô sẽ cần số tiền khác nhau nhưng hãy chuẩn bị đủ tiền để có thể vận hành ít nhất một năm không có doanh thu. 80% doanh nghiệp thất bại trong 5 năm đầu tiên là do hết tiền giữa chừng.

Sponsored Ad

3. Sức khỏe

Hãy chuẩn bị sức khỏe tinh thần và thể lực. Làm chủ là làm nhanh, làm gấp nhiều lần người khác. Có nhiều tiền để thuê nhân công làm thay mình thì tốt. Nhưng nếu mình không có thực tế thì không thể nào biết họ làm vậy đã đủ tốt hay chưa. Nên tốt nhất mình vẫn phải trực tiếp làm qua mọi thứ rồi mới giao việc cho người khác được.

4. Kỹ năng bán hàng

Đừng suy nghĩ ngây thơ là có sản phẩm tốt và chất lượng thì người ta sẽ tranh nhau mua. Nhiều người phá sản vì suy nghĩ này. Trên thị trường có hằng hà sa số sản phẩm tốt. Nên phải học cách truyền thông, bán hàng để nhiều người tiêu dùng biết đến mình hơn. Qua rồi cái thời hữu xạ tự nhiên hương.

Sponsored Ad


5. Kỹ năng kế toán

Phải biết tính toán để biết được giá thành sản xuất bao nhiêu, rồi khấu hao trong bao lâu, để xác định giá bán cho phù hợp. Làm sao cân đối được giữa chi phí và lợi nhuận. Với tôi thành công không đánh giá qua việc có bao nhiêu tiền. Nhưng nó cũng không thể thiếu nếu muốn đi đường dài trong nông nghiệp. Tiền không phải là tất cả nhưng không có tiền thì không có gì cả.

Đây chỉ là một số ít trong vô vàn yếu tố để khởi nghiệp nông nghiệp. Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe, trí sáng, tâm vui và lựa chọn cho mình một con đường phù hợp.


Bạn có thể cũng thích bài viết này