Quản lý thị trường kiểm tra việc 'gom hàng siêu thị bán thu lời'

Quản lý thị trường TP HCM công khai số điện thoại để người dân, siêu thị phản ánh tình trạng gom hàng siêu thị đem ra ngoái bán thu lời.

Đường dây nóng của quản lý thị trường (028.39321014) và cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại TP HCM (028.39322491) sẽ tiếp nhận phản ánh của người dân về hành vi thu lời bất chính trong dịch bệnh 24/24.

Số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường TP HCM cũng sẽ được niêm yết tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng... Sau khi được tiếp nhận, các phản ánh của người dân sẽ lập tức được chuyển tới các đội trưởng đội quản lý thị trường nơi phát sinh vụ việc để xử lý.

Sponsored Ad

Những ngày qua, tại TP HCM xuất hiện tình trạng một số cá nhân gom mua hàng (lương thực, thực phẩm, rau, củ quả, trứng...) số lượng lớn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi rồi đem ra ngoài bán với giá cao, kiếm lời.

Người dân TP HCM mua hàng ở một siêu thị tại quận 3. Ảnh: Quỳnh Trần

Người dân TP HCM mua hàng ở một siêu thị tại quận 3. Ảnh: Quỳnh Trần

Sáng 14/7, người dân lại "đổ" tới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mua đồ rất đông. Một số nơi phát phiếu mua hàng cho người dân, số siêu thị khác thì hạn chế số lượng khách vào mua hàng nên có tình trạng hàng dài người xếp hàng phía ngoài siêu thị, chờ tới lượt vào mua.

Sponsored Ad

Trước tình hình này, quản lý thị trường TP HCM kêu gọi người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; doanh nghiệp không tăng giá hàng hoá vô lý. Lực lượng này sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giá, lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, găm hàng, đầu cơ...

Hiện TP HCM chỉ còn 59 chợ truyền thống hoạt động. Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, trước đây lượng hàng về các chợ đầu mối khoảng 7.000-7.500 tấn mỗi ngày. Nhưng khi dịch bùng phát, sản lượng chỉ còn 4.500-5.000 tấn và thậm chí chỉ còn 2.000 tấn khi cả 3 chợ đầu mối dừng. Vì vậy, dù kênh phân phối hàng qua siêu thị đã tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường, tình trạng thiếu hụt cục bộ có thể xảy ra.

Hiện, thành phố đã phối hợp cùng các siêu thị, doanh nghiệp phân phối... mở thêm nhiều điểm bán lưu động với giá bình ổn, đưa hàng về tận các khu dân cư, nhất là vùng bị phong toả. Từ 13/7, 34 điểm bán tại hệ thống bưu cục của Viettel Post, khoảng 200 điểm bán lưu động tại bưu cục của Bưu điện Việt Nam (VNPost) và các điểm bán của siêu thị Aeon, MM Mega Market tại một số quận, huyện đã mở để giảm "áp lực".

Bạn có thể cũng thích bài viết này